Câu 1. Anh(chị) hãy trình bày các loại phần mềm trên máy tính điện tử?
Hệ điều hành: là phần mềm hệ thống có chức năng điều khiển hoạt động của hệ thống máy tính.
Chương trình dịch của ngôn ngữ lập trình: là phần mềm có chức năng dịch chương trình được viết trên các ngôn ngữ lập trình sang mã máy.
Hệ quản trị cơ sở dữ liệu: là phần mềm có chức năng giúp cho người sử dụng dễ dàng tạo lập, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu.
Phần mềm chuyên dụng: là phần mềm có chức năng giúp cho người sử dụng tạo ra sản phẩn cụ thể.
Phần mềm tiện ích: là phần mềm có chức năng hỗ trợ người sử dụng trong quá trình vận hành, khai thác máy tính.
Phần mềm ứng dụng: là phần mềm có chức năng phục vụ mục đích cụ thể của người sử dụng.
Hệ chuyên gia: là phần mềm có chức năng mô phỏng kiến thức của chuyên gia về lĩnh vực xác định hỗ trợ cho người sử dụng.
Ngoài ra, hiện nay các loại phần mềm trên có thể được phân loại thành các loại phần mềm: Phần mềm hệ thống, phần mềm sản xuất theo đơn đặt hàng, phần mềm đóng gói nhiều người dùng, phần mềm nhúng, phần mềm nội dung…
Câu 2. Trình bày các bước cần phải thực hiện để xây dựng một mạng máy tính. Trong các bước trên bước nào quan trọng nhất? Vì sao?
Các bước cần phải thực hiện để xây dựng một mạng máy tính:
Bước 1. Thu thập yêu cầu của khách hàng
Bạn thiết lập mạng để làm gì? sử dụng nó cho mục đích gì?
Các máy tính nào sẽ được nối mạng?
Những người nào sẽ được sử dụng mạng, mức độ khai thác sử dụng mạng của từng người/ nhóm người ra sao?
Trong vòng 3-5 năm tới bạn có nối thêm máy tính vào mạng không, nếu có ở đâu, số lượng bao nhiêu?
Bước 2. Phân tích yêu cầu
Những dịch vụ mạng nào cần phải có trên mạng? (Dịch vụ chia sẻ tập tin, chia sẻ máy in, Dịch vụ web, Dịch vụ thư điện tử, Truy cập Internet hay không?, ...);
Mô hình mạng là gì? (Workgroup hay Client/ Server? ...);
Mức độ yêu cầu an toàn mạng;
Ràng buộc về băng thông tối thiểu trên mạng.
Bước 3. Thiết kế giải pháp
Kinh phí dành cho hệ thống mạng;
Công nghệ phổ biến trên thị trường;
Thói quen về công nghệ của khách hàng;
Yêu cầu về tính ổn định và băng thông của hệ thống mạng;
Ràng buộc về pháp lý;
Thiết kế sơ đồ mạng ở mức luận lý;
Chọn hệ điều hành mạng và các phần mềm ứng dụng;
Giá thành phần mềm của giải pháp;
Sự quen thuộc của khách hàng đối với phần mềm;
Sự quen thuộc của người xây dựng mạng đối với phần mềm.
Bước 4. Cài đặt mạng
Lắp đặt phần cứng;
Cài đặt và cấu hình phần mềm.
Bước 5. Kiểm thử mạng
Bước 6. Bảo trì hệ thống mạng
Câu 3. So sánh sự giống nhau và khác nhau giữa mô hình OSI và mô hình TCP/IP:
+ Giống nhau:
Cả hai đều có kiến trúc phân lớp (tầng);
Cả hai đều có lớp ứng dụng, mặc dù các dịch vụ mỗi lớp khác nhau;
Cả hai đều có lớp vận chuyển và lớp mạng;
Sử dụng kỹ thuật chuyển mạch gói;
+ Khác nhau:
TCP/IP kết hợp lớp trình diễn và lớp phiên vào lớp ứng dụng của nó;
TCP/IP kết hợp lớp liên kết dữ liệu và lớp vật lý thành một lớp;
TCP/IP phức tạp hơn OSI vì có ít lớp hơn;
OSI chú trọng tới phân lớp nhưng chỉ nêu lên chức năng của từng lớp, không chỉ ra cách cài đặt cụ thể mỗi lớp như thế nào? (không định giao thức cụ thể tại mỗi lớp) - là mô hình tham chiếu lý thuyết cho các hệ thống mở nói chung, không được sử dụng để cài đặt trong hệ thống mạng.
Ngược lại TCP/IP: không chú trọng tới phân lớp, nhưng được tín nhiệm bởi các giao thức cụ thể tại mỗi tầng và được sử dụng để cài đặt trong hệ thống mạng. Các giao thức TCP/IP là các chuẩn phát triển phổ biến trên Internet.
Câu 4. Trình bày cách phân loại mạng máy tính theo phương pháp chuyển mạch. Kỹ thuật chuyển mạch gói có ưu điểm gì so với chuyển mạch kênh.
Cách phân loại mạng máy tính theo PP chuyển mạch.
Mạng chuyển mạch kênh (Circuit Switched Networks)
Trước khi trao đổi thông tin, hệ thống sẽ thiết lập kết nối giữa 2 thực thể bằng một đường truyền vật lý. Thực thể đích nếu bận, kết nối này sẽ bị huỷ bỏ.
Duy trì kết nối trong suốt quá trình 2 thực thể trao đổi thông tin.
Giải phóng kết nối: Sau khi truyền xong dữ liệu, kết nối sẽ được huỷ bỏ, giải phóng các tài nguyên đã bị chiếm dụng để sẵn sàng phục vụ cho các yêu cầu kết nối khác.
Mạng chuyển mạch gói (Packet Switched Networks)
Nguyên lý chuyển mạch gói: Thông điệp (Message) của người sử dụng được chia thành nhiều gói nhỏ (Packet) có độ dài quy định. Độ dài gói tin cực đại (Maximum Transfer Unit) MTU trong các mạng khác nhau là khác nhau.
Các gói tin của một thông điệp có thể truyền độc lập trên nhiều tuyến hướng đích và các gói tin của nhiều thông điệp khác nhau có thể cùng truyền trên một tuyến liên mạng.
Tại mỗi node, các gói tin được tiếp nhận, lưu trữ, xử lý tại bộ nhớ, không cần phải lưu trữ tạm thời trên bộ nhớ ngoài (như đĩa cứng) và được chuyển tiếp đến node kế tiếp. Định tuyến các gói tin qua mạng nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Mạng chuyển mạch thông báo
Thông báo (message) là một đơn vị thông tin của người sử dụng có khuôn dạng được qui định trước. Mỗi thông báo đều có chứa vùng thông tin điều khiển trong đó chỉ định rõ đích của thông báo. Căn cứ vào thông tin này mà mỗi nút trung gian có thể chuyển thông báo tới nút kế tiếp theo đường dẫn tới đích của nó.
Mỗi nút cần phải lưu trữ tạm thời để “đọc” để đọc thông tin điều khiển trên thông báo để sau đó chuyển tiếp thông báo đi. Tuỳ thuộc vào điều kiện của mạng, các thông báo khác nhau có thể truyền theo đường truyền khác nhau.
Ưu điểm của kỹ thuật chuyển mạch gói so với chuyển mạch kênh
Các gói tin lưu chuyển hướng đích độc lập, trên một đường có thể chia sẻ cho nhiều gói tin. Vì vậy hiệu suất đường truyền cao hơn.
Các gói tin được xếp hàng và truyền qua tuyến kết nối.
Hai thực thể có tốc độ dữ liệu khác nhau có thể trao đổi các gói với tốc độ phù hợp.
Trong mạng chuyển mạch kênh, khi lưu lượng tăng thì mạng từ chối thêm các yêu cầu kết nối (do nghẽn) cho đến khi giảm xuống. Trong mạng chuyển mạch gói, các gói tin vẫn được chấp nhận, nhưng trễ phân phát gói tin có thể tăng lên.
Câu 5. Lỗ hổng bảo mật? Phân loại lỗ hổng bảo mật? Mục đích của việc quét lỗ hổng bảo mật?
Lỗ hổng bảo mật là gì?
Lỗ hổng bảo mật là những phương tiện cho phép người dùng không hợp lệ có thể lợi dụng để xâm nhập vào hệ thống
Lỗ hổng bảo mật được phân loại như thế nào?
Lỗ hổng từ chối dịch vụ: là lỗi cho phép người dùng trái phép làm tê liệt dịch vụ của hệ thống, làm mất khả năng hoạt động của một máy tính hay một mạng.
Lỗ hổng tăng quyền truy nhập không cần xác thực: là những lỗi ở phần mềm hay hệ điều hành có sự phân cấp người dùng cho phép người dùng bên trong mạng với quyền sử dụng hạn chế có thể tăng quyền truy nhập trái phép mà không cần xác thực.
Lỗ hổng cho phép xâm nhập từ xa không xác thực: là lỗi chủ quan của người quản trị hay người dùng không thận trọng và không quan tâm đến vấn đề bảo mật như tài khỏan có password rỗng, chạy những dịch vụ không cần thiết mà không an toàn, không có hệ thống bảo vệ (Firewall, IDS, proxy..)
Mục đích của việc quét lỗ hổng bảo mật?
Phát hiện các lỗ hổng bảo mật của hệ thống.
Phát hiện các nghi vấn về bảo mật để ngăn chặn
Câu 6. Trình bày vai trò của Switch trong VLAN? Nêu các lợi ích khi sử dụng VLAN
Vai trò của Switch trong VLAN
Switch là một trong những thành phần cốt lỗi thực hiện việc truyền thông trong VLAN. Chúng là điểm nối kết các trạm đầu cuối vào giàn hoán chuyển của switch và cho các cuộc giao tiếp diễn ra trên toàn mạng. Switch cung cấp một cơ chế thông minh để nhóm những người dùng, các cổng hoặc các địa chỉ luận lý vào các cộng đồng thích hợp. Switch cung cấp một cơ chế thông minh để thực hiện các quyết định lọc và chuyển tiếp các khung dựa trên các thước đo của VLAN được định nghĩa bởi nhà quản trị.
Tiếp cận thông thường nhất để phân nhóm người sử dụng mạng một cách luận lý vào các VLAN riêng biệt là lọc khung (filtering frame) và nhận dạng khung (frame Identification).
Sử dụng VLAN có các lợi ích sau:
Phân tách các vùng quảng bá để tạo ra nhiều băng thông hơn cho người sử dụng;
Tăng cường tính bảo mật bằng cách cô lập người sử dụng dựa vào kỹ thuật của cầu nối;
Triển khai mạng một cách mềm dẻo dựa trên chức năng công việc của người dùng hơn là dựa vào vị trí vật lý của họ. VLAN có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến việc di chuyển, thêm và thay đổi vị trí các máy tính trên mạng.
Câu 7. Trình bày các phương pháp điều khiển vào/ra? Trình bày đặc điểm của từng phương pháp?
Các phương pháp điều khiển vào/ ra?
Vào/ ra bằng chương trình
Vào/ ra điều khiển bằng ngắt
Truy cập trực tiếp bộ nhớ - DMA
Bộ xử lý vào/ ra
Đặc điểm của từng phương pháp?
Vào/ ra bằng chương trình:
Trong chương trình người lập trình chủ động viết các lệnh vào / ra.
Khi thực hiện các lệnh vào / ra đó, CPU trực tiếp điều khiển việc trao đổi dữ liệu với cổng vào / ra.
CPU phải đợi module vào / ra sẵn sàng.
Vào/ ra bằng điều khiển bằng ngắt:
CPU không phải đợi trạng thái sẵn sàng của module vào /ra.
CPU đang thực hiện một chương trình nào đó, nếu module vào / ra sẵn sàng thì nó phát tín hiệu yêu cầu ngắt gửi đến CPU.
Nếu yêu cầu ngắt được chấp nhận thì CPU thực hiện chương trình con vào /ra tương ứng để trao đổi dữ liệu.
Kết thúc chương trình con đó, CPU quay trở lại tiếp tục thực hiện chương trình đang bị ngắt.
Có sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm:
Phần cứng: gây ngắt CPU.
Phần mềm: trao đổi dữ liệu.
Truy cập trực tiếp bộ nhớ - DMA:
Thêm module phần cứng là DMAC (Direct Memory Access Controller).
DMAC điều khiển trao đổi dữ liệu giữa module vào-ra với bộ nhớ chính.
CPU không tham gia vào quá trình trao đổi dữ liệu
DMAC điều khiển trao đổi dữ liệu giữa bộ nhớ chính với module vào /ra hoàn toàn bằng phần cứng.
Thích hợp với các yêu cầu trao đổi dữ liệu kích thước lớn.
Bộ xử lý vào ra:
Việc điều khiển vào /ra được thực hiện bởi một bộ xử lý vào /ra chuyên dụng.
Bộ xử lý vào /ra hoạt động theo chương trình của riêng nó.
Chương trình của bộ xử lý vào /ra có thể nằm trong bộ nhớ chính hoặc nằm trong một bộ nhớ riêng.
Hoạt động theo kiến trúc đa xử lý.
Câu 8. Cho hệ thống mạng gồm 228 Host và địa chỉ IP được thiết lập ở lớp 192.168.1.1/24.
Hãy chia hệ thống mạng này thành bốn mạng con (Net 1: có 120 Host, Net 2: có 60 Host, Net 3: có 30 Host và Net 4: có 18 Host) gồm các thông tin: Network ID (địa chỉ lớp mạng con), Subnet Mask (mặt nạ của mạng con), Start IP Address(địa chỉ IP bắt đầu của mạng con), End IP Address (địa chỉ IP kết thúc mạng con), Broadcast IP (địa chỉ IP quảng bá của mạng con).
+ Net 1:
Net ID :192.168.1.0
Subnet mask :255.255.255.128
Start IP Address :192.168.1.1
End IP Address :192.168.1.126
Broadcast IP :192.168.1.127
+ Net 2:
Net ID :192.168.1.128
Subnet mask :255.255.255.192
Start IP Address :192.168.1.129
End IP Address :192.168.1.190
Broadcast IP :192.168.1.191
+ Net 3:
Net ID :192.168.1.192
Subnet mask :255.255.255.224
Start IP Address :192.168.1.193
End IP Address :192.168.1.222
Broadcast IP :192.168.1.223
+ Net 4:
Net ID :192.168.1.224
Subnet mask :255.255.255.224
Start IP Address :192.168.1.225
End IP Address :192.168.1.254
Broadcast IP :192.168.1.255